Chương trình sản xuất điện sạch từ mái nhà
Đứng trước sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế và tăng nhanh của dân số, quy hoạch Việt Nam đang đứng trước những nhiệm vụ cấp bách để giải quyết tình trạng này cùng với đó là giảm thiểu sự lãng phí năng lượng. Một hướng đi mới là những công trình xanh ( CTX), tập trung vào các tòa nhà cao tầng. Việc phát triển công trình xanh (CTX) nhằm giảm thiểu áp lực nguồn năng lượng sử dụng là cần thiết, nhưng tại nước ta vẫn đang rất hạn chế.
Thống kê tại 5 thành phố lớn của Việt Nam, hiện có khoảng 1.500 tòa nhà có diện tích trên 2.500m²/tòa nhà. Riêng tại TPHCM, trung bình mỗi năm xây dựng mới khoảng 3,5 triệu m² các công trình. Do đó việc phát triên CTX sẽ có tác dụng không nhỏ trong việc giảm thiểu năng lượng.
Bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia CTX, Công ty Tài chính quốc tế (IFC), nhìn nhận mặc dù đã có công cụ đánh giá nhưng thời điểm phát triển CTX còn chưa xuất hiện. Nguyên nhân nằm ở các rào cản về kỹ thuật, thiết bị, giá thành và nhận thức.
Hiện nay, Việt Nam đã có Quy chuẩn tiết kiệm năng lượng 09:2017/BXD (QCVN 09: 2017/BXD), là quy chuẩn hiện hành duy nhất về tiết kiệm năng lượng công trình. Tuy vậy, việc thực thi quy chuẩn này còn rất hạn chế, thậm chí không được biết tới trong giới thiết kế, từ kiến trúc sư cho tới kỹ sư. Đây là điểm hết sức đáng tiếc.
Theo tính toán ban đầu, đây là một chương trình tiềm năng lớn, nếu phát triển theo xu hướng xanh, chi phí xây dựng có thể tăng 1% nhưng chi phí vận hành sẽ giảm được từ 20% - 27% do tiết kiệm được năng lượng và thời gian hoàn vốn cũng chỉ từ 2-5 năm.
Ông Phạm Hữu Tạo, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng công trình, Sở Xây dựng TPHCM, cho biết thành phố đã đặt mục tiêu 100% công trình thuộc đối tượng áp dụng QCVN 09: 2017/BXD sẽ phải tuân thủ quy chuẩn này, kết hợp áp dụng cơ chế ưu đãi cho các CTX, công trình tiết kiệm năng lượng. Mặt khác, tập trung nâng cao năng lực của các đơn vị tư vấn và cán bộ quản lý nhà nước về CTX. Đồng thời, thành phố cũng sẽ tăng cường tối đa sự hợp tác với các tổ chức quốc tế để triển khai, thực thi áp dụng QCVN 09:2017/BXD được tốt hơn
Sở công thương thành phố Hồ Chí Minh cũng đang nỗ lực hơn nữa trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và chuyển giao công nghệ để chương trình được sớm phát triển. Hiện Sở đang cùng Ngân hàng trung ương thực hiện đánh giá tiềm năng chương trình. Sau quá trình đánh giá, 150 mái nhà sẽ được nghiên cứu để phát triển điện mặt trời.
Nguồn: VOH
http://voh.com.vn/khoa-hoc-giao-duc/san-xuat-dien-sach-tu-mai-nha-286302.html