Đô thị sinh thái- Tiềm năng cho sự phát triển bền vững
Tiến trình đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra khá nhanh chóng trong thời gian qua đã kéo theo hệ quả là môi trường sống tại các thành phố lớn đang bị “bê tông hóa”, gây ra nhiều vấn đề lớn tình trạng ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn, điều kiện sống xấu, sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng. Do đó, phát triển đô thị sinh thái (ĐTST) được xem là giải pháp tiềm năng để tạo ra không gian xanh và cân bằng trong quá trình phát triển của đô thị.
Hệ lụy của quá trình đô thị hóa
Quá trình đô thị hóa nhanh đang dẫn đến những hệ quả đáng quan ngại. Thứ nhất là vấn đề về dân số, Việt Nam có tốc độ gia tăng dân số nhanh, dự đoán đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 100 triệu dân. Trong khi vấn đề lao động, việc làm ở đô thị chưa được giải quyết tốt, thì quá trình đô thị hóa nhanh đã đẩy một bộ phận lao động dư thừa từ khu vực nông thôn ra thành thị, gây thêm áp lực về dân số và việc làm cho đô thị. Thứ đến là việc phát triển đô thị đã làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, có thể gây ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Dự báo đến năm 2020, diện tích đất đô thị sẽ là 460.000 ha, chiếm 1,4% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Vấn đề nữa là sự chênh lệch về văn hóa và mức sống giữa các tầng lớp dân cư đô thị ngày càng gia tăng, dẫn đến sự phân hóa sâu sắc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, lối sống, tình cảm và tâm lý dân cư đô thị, từ đó có thể dẫn tới các phức tạp xã hội…Nhưng quan trọng và đáng chú ý nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị Việt Nam còn rất yếu kém, lạc hậu, không đảm bảo các tiêu chuẩn đô thị hiện đại thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước, giao thông đô thị và nhà ở. Mạng lưới giao thông đô thị rất kém phát triển, nhất là giao thông tĩnh ở các đô thị nước ta chưa đạt 5%, nghĩa là còn đang ở mức thấp nhất thế giới. Giao thông công cộng chưa phát triển, mới chỉ đạt 2-3% nhu cầu. Tỷ lệ phát triển đường của Hà Nội trung bình mỗi năm tăng khoảng 5%, trong khi lượng xe máy tăng tới 20%, ô tô tăng 12%…Bên cạnh đó, việc cung cấp nước sạch mới đảm bảo được cho khoảng 50% số dân đô thị trong cả nước. Hệ thống thoát nước cũ kỹ, lạc hậu thường xuyên gây ra cảnh ngập lụt và rất mất vệ sinh vào mùa mưa bão, nhất là tại Hà Nội và Tp.HCM. Tình trạng ô nhiễm môi trường do khí thải, rác thải, nước thải, tiếng ồn… ngày càng nghiêm trọng. Tại Hà Nội và Tp.HCM, các chỉ tiêu về mức đô ô nhiễm đã vượt xa các chuẩn mực cho phép…
Đô thị sinh thái và tiềm năng
Theo PGS. TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng Việt Nam: “Đô thị sinh thái là đô thị ở đó dân cư có thể và ưa thích việc tiếp cận hầu hết dịch vụ cơ bản bằng cách đi bộ, đi xe đạp và vận chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng. Tất cả các hoạt động phục vụ con người trong ĐTST hài hòa và thân thiện với môi trường”. Theo định nghĩa của Tổ chức Sinh thái đô thị của Úc thì “Một thành phố sinh thái là thành phố đảm bảo sự cân bằng với thiên nhiên”, hay cụ thể hơn là sự định cư cho phép các cư dân sinh sống trong điều kiện chất lượng cuộc sống nhưng sử dụng tối thiểu các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, thành phố sinh thái hay ĐTST phải đảm bảo 4 nguyên tắc: Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên, đa dạng hoá việc sử dụng đất, chức năng đô thị và hoạt động của con người. Trong điều kiện có thể cố giữ cho hệ sinh thái được khép kín và tự cân bằng, giữ cho phát triển dân số và tiềm năng của môi trường, tài nguyên thiên nhiên được cân bằng tối ưu.
Việc xây dựng đô thị sinh thái thực ra không phải quá xa lạ với các nước. Nhật Bản với thành phố Kawasaki, và nhất là thành phố Kitakyushu với mục tiêu hướng trở thành thủ đô sinh thái toàn cầu; Trung Quốc cũng đã có thành phố sinh thái DongTan (Thượng Hải); và Singapore có đô thị sinh thái Thiên Tân Sino... là những ví dụ cụ thể. Tuy nhiên ở Việt Nam, đô thị sinh thái vẫn còn khá mơ hồ, trong hệ thống văn bản pháp luật chưa có khái niệm về đô thị sinh thái cũng như các tiêu chí cụ thể để xét đánh giá đô thị có phải là ĐTST hay không.
Đứng trước những thách thức trong quá trình đô thị hóa, Th.S Nguyễn Thị Hạnh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), trong hội thảo “Tầm nhìn đô thị sinh thái” tổ chức tại Tây Ninh vừa qua nhận định: “Xây dựng đô thị sinh thái là vấn đề cấp thiết và cấp bách, nhất là khi tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa và dấu hiệu suy thoái đô thị ngày một tăng cao như hiện nay. Cần quy hoạch các đô thị sinh thái ngay từ bây giờ cho các vùng đô thị mới, hoặc sửa chữa hay thay đổi trong điều kiện có thể, các đô thị cũ thành đô thị theo kiểu đô thị sinh thái”. GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng - Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cũng nhấn mạnh: Bên cạnh các tiêu chí như không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa và cộng đồng dân cư sống thận thiện với môi trường, với thiên nhiên, thì cần lưu ý các giải pháp quy hoạch đô thị, thiết kế công trình phải tính đến các yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo. Vì phát triển ĐTST là một trong nhiều giải pháp giúp các đô thị Việt Nam phát triển thịnh vượng, bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường…
http://www.baoxaydung.com.vn/…/xay-dung-do-thi-sinh-thai-se…
Nguồn: Báo Xây dựng